Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947 tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Là con một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sau khi cha bị địch giết chết, ông được thay đổi lý lịch và cài vào hoạt động trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Năm 1969, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở Hoa Kỳ. Năm 1972 về nước, đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc sư đoàn 3 không quân, phi đoàn 540 Thần Hổ..

Ngày 8/4/1975, khi nhận lệnh đi ném bom vùng giải phóng Trung úy Nguyễn Thành Trung đã đánh lạc hướng đài chỉ huy, quay lại ném bom vào Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Câu chuyện “Ba giờ với người ném bom xuống dinh Độc Lập” đã được trích đăng ở Báo Sự kiện và nhân chứng.

Mặc dù kế hoạch và phương án đã được tính toán kỹ lưỡng, nhưng thời điểm hành động đến rất bất ngờ đối với cả bản thân tôi. Hôm đó, một phi đoàn được lệnh ném bom ở Phan Thiết. Trong một phi đội, vị trí số 2 vắng mặt. Tôi đang trực nên được lệnh bổ sung. Phi đội tôi cất cánh cuối cùng. Và tôi quyết định hành động. Điều tôi lo lắng nhất là làm sao tách ra khỏi đội hình mà không bị nghi ngờ, trong khi nguyên tắc bay là vô cùng nghiêm ngặt. Nhưng tôi đã tìm thấy kẽ hở. Trong đội hình bay, chỉ có số 1 được quyền đàm thoại, còn các vị trí khác ra hiệu bằng ngón tay để thông báo cho nhau những điều cần thiết. Khi số 1 và số 3 đã nổ máy, tôi ra hiệu bằng ngón tay máy bay bị hỏng điện, không để bay được. Số 1 ra hiệu cho tôi nằm lại, rồi số 1 cất cánh, 5 giây sau số 3 cất cánh. Nhà chòi chỉ huy thấy tôi nằm lại thì tưởng là có trục trặc nhỏ gì đó, có thể xuất phát muộn hơn một chút. Đúng 10 giây sau, tôi cất cánh. Đó là 10 giây quyết định. Tôi bay dọc theo thành phố Biên Hòa, qua Chợ Lớn rồi đột ngột bay thẳng về phía Dinh Độc Lập. Điều tôi lo lắng lúc này không phải là bị chúng săn đuổi trên không, hay bắn từ dưới mặt đất lên mà lo bom lạc rơi vào chợ Sài Gòn.

Theo dự định, tôi sẽ ném hai quả bom xuống Dinh Độc Lập, hai quả còn lại tặng cho sứ quán Mỹ. Tôi cho máy bay đổ nhào xuống và từ độ cao 1000m thì cắt bom. Khi kéo cần lái lên, tôi thấy hai đụn khói bốc lên ở ngoài sân. Trượt rồi. Tôi quyết định quay lại. Lần này bom rơi trúng vào chữ T trên nóc dinh, đúng vào bãi đỗ máy bay lên thẳng. Kéo cần lái lên, tôi thấy khói đen đùn qua các ô cửa sổ. Tôi quay vòng lại lần thứ 3 để nhìn cho chắc chắn, chỉ tiếc là không còn bom để giáng cho tòa đại sứ Mỹ đòn choáng váng.

Ném bom xong, Nguyễn Thành Trung lái máy bay ra vùng giải phóng, hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến ở Bà Rá – Phước Long. Trên đường bay ông đã dùng đạn 20ly bắn xuống kho xăng Nhà Bè, nhưng có thể địch dùng các biện pháp đặc biệt bảo vệ nên không một bồn xăng nào bốc cháy.

TRƯNG BÀY

TỪ DINH NORODOM ĐẾN DINH ĐỘC LẬP

1868 – 1966

12024-12-31 23:59:592025-01-06T00:19